Loài có xương sống Mang

Xem thêm: Mang cá
Mang cá nước ngọt, phóng to 400 lần.

Mang của các loài động vật có xương sống hình thành và phát triển trên vách của hầu, bao hàm một dãy khe mang mở thông ra ngoài. Phần lớn các loài động vật này tận dụng dòng chảy đối lưu để tăng tối đa tốc độ khuếch tán không khí thông qua mang, trong đó nước và dòng máu chảy ngược chiều nhau. Mang bao hàm các tơ mang dạng lược mang các phiến mang giúp tăng diện tích bề mặt tiếp xúc.[2]

Khi một con cá thở, nó hút một lượng lớn nước vào miệng theo từng đợt đều nhau, sau đó đẩy nước ra hai bên thành họng và tống ra ngoài theo đường mang. Mang cá có thể là tiền thân của các cơ quan như amiđan, tuyến ứcvòi Eustach, cũng như nhiều cấu trúc khác phát triển từ túi hầu.[cần dẫn nguồn]

Cá sụn

Cá mậpcá đuối thường có 5 cặp khe mang mở trực tiếp ra môi trường nước bên ngoài, một số cá mập nguyên thủy có đến 6 hay 7 khe mang. Các khe mang kế tiếp nhau được ngăn cách bởi cung mang dạng sụn, từ cung mang này trổ ra các vách ngăn hình phiến, chúng được chống đỡ bằng những tấm sụn gọi là tia mang. Các phiến mang nằm trên cả hai mặt của vách cung mang. Cung mang cũng có thể là nơi nương tựa của lược mang, một cơ quan chuyên dùng để "lọc" các hạt thức ăn li ti trong nước.[3]

Cá sụn có một lỗ thở nằm ngay phía lưng của khe mang thứ nhất, bao hàm một mang phụ giả nhìn giống như mang thật, nhưng chỉ nhận máu chứa sẵn nhiều ôxi chảy từ mang thật tới.[3] Mang giả này được cho là cùng nguồn gốc với lỗ tai trong các động vật có xương sống cấp cao hơn.[4]

Phần lớn các loài cá mập không có khả năng tự "bơm" nước vào mang mà hô hấp bằng cách "tông" vào nước, cụ thể hơn khi cá bơi về phía trước thì dòng nước sẽ di chuyển tương đối về phía sau so với cá, và vì vậy, nếu lấy cá làm hệ quy chiếu thì dòng nước sẽ di chuyển tương đối từ miệng vào mang cá để cá hô hấp. Cá bơi càng nhanh thì dòng nước "chảy" vào mang càng nhanh. Đối với các loài cá sụn bơi chậm như cá đuối, khi tốc độ bơi không đủ nhanh để hô hấp kiểu "tông" vào nước, lỗ thở của chúng có độ rộng lớn hơn và các loài cá nay có khả năng chủ động hút nước để bơm vào mang.[3]

Các loài cá sụn thuộc bộ Chimaeriformes không có cả lỗ thở lẫn khe mang thứ năm, các khe mang còn lại được che bởi một nắp mang bằng sụn, phát triển từ vách ngăn của cung mang nằm phía trước khe mang thứ nhất.[3]

Cá mút đácá bà già không có dạng khe mang giống như cá mập, cá đuối, mà mang của chúng nằm trong các túi hình cầu có lỗ tròn thông qua môi trường ngoài. Giống như khe mang của các loài cá cấp cao hơn, mỗi túi mang bao hàm hai mang. Trong một số trường hợp, các lỗ thông hòa nhập vào nhau và hình thành nên một cấu trúc giống như nắp mang. Cá mút đá có 7 cặp túi mang trong khi cá bà già có thể từ 6-14 cặp tùy theo loài. Ở cá bà già, túi mang nối thông với hầu, trong khi ở cá mút đá trưởng thành, hệ thống hô hấp bao hàm một đường ống thở nằm ở dưới hầu, ngăn cách dòng thức ăn và dòng nước dùng trong hô hấp trộn lẫn với nhau bằng một van, van này sẽ đóng lại ở đầu trước của ống khi cá hô hấp.[3]

Cá xương

Mang của một con cá ngừ.

Đối với các loài cá xương, mang cá nằm ờ một khoang sau đầu, che phủ bởi một nắp mang bằng xương. Phần lớn các loài cá xương có 5 cặp mang, mặc dù một vài loài có ít hơn do sự tiêu giảm trong quá trình tiến hóa. Nắp mang của cá có vai trò quan trông trong việc điều chỉnh áp suất nước trong hầu và nhờ đó giúp cho cá có thể chủ động hút và bơm nước vào mang chứ không phải di chuyển liên tục để hô hấp như nhiều loài cá sụn. Cá xương cũng có những van nằm trong miệng để ngăn nước thất thoátvra ngoài.[3]

Cung mang của cá xương không có vách ngăn và mang cá gắn trực tiếp lên xương cung mang, được chống đỡ bằng các tia mang đơn lẻ. Một số loài cá xương còn giữ lại các lược mang. Phần lớn các loài cá xương - ngoại trừ một số loài nguyên thủy - không có lỗ thở, nhưng mang phụ giả vẫn còn tồn tại và nằm ở gốc nắp mang. Tuy nhiên cơ quan này đã bị tiêu giảm đáng kể và chỉ còn tồn tại dưới dạng một dúm tế bào có hình thù không rõ ràng.[3]

Các loài thuộc Phân thứ lớp Cá xương thật (Teleostei) sống ở biển cũng sử dụng mang để bài tiết chất điện giải. Diện tích bề mặt quá lớn của mang khiến cá gặp nhiều khó khăn trong việc điều tiết nồng độ thẩm thấu của thể dịch vốn thấp hơn nhiều so với nồng độ thẩm thấu của nước biển và khiến cá bị đe dọa mất nước do thẩm thấu. Đối với cá nước ngọt, nồng độ của thể dịch lại cao hơn và vì vậy cá có thể hấp thu nước một cách tự nhiên từ môi trường ngoài qua mang.[3]

Loài khác

Mang ngoài của nòng nọc thuộc loài sa giông núi cao nằm ở hai bên đầu.

Nòng nọc của các loài lưỡng cư có 2-5 khe mang bao hàm những cơ quan hô hấp tựa như mang, nhưng chưa phải là mang thật sự. Thông thường lỗ thở và nắp mang không tồn tại, dù một số loài có thể có những cơ quan tương tự như nắp mang. Và thay vì có mang nằm trong cơ thể, nòng nọc phát triển một cấu trúc mang nằm ngoài cơ thể, mọc từ bề mặt ngoài của các cung mang. Những mang ngoài này sẽ tiêu giảm khi nòng nọc biến thái, nhưng một số loài thì mang ngoài vẫn tồn tại. Cá phổi cũng có mang ngoài, và các loài thuộc chi Cá nhiều vây (Polypterus) cũng có mang ngoài nhưng cấu trúc của nó thì khác so với lưỡng cư.[3]